Câu gốc: “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã nói về Mục sư trẻ Ti-mô-thê như thế nào? Bà ngoại và mẹ của Mục sư Ti-mô-thê đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc để lại di sản đức tin cho con cháu? Bạn sống thế nào để con cháu bạn chọn đúng hướng đi cho cuộc đời?
Đầu thư II Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho chức vụ của ông Ti-mô-thê, là người con tinh thần của ông. Chính ông đã dạy dỗ và đặt ông Ti-mô-thê vào vị trí người chăn bầy Hội Thánh ở Ê-phê-sô. Tại đây, Sứ đồ Phao-lô cảm tạ Chúa về người con tinh thần và cũng là người bạn đồng lao với ông trong chức vụ, và ông cho biết ông vẫn ngày đêm cầu nguyện cho ông Ti-mô-thê.
Sứ đồ Phao-lô nói về tư cách của ông Ti-mô-thê. Ông Ti-mô-thê là một người tin kính Chúa chân thật và là người rất tình cảm. Ông đã khóc khi Sứ đồ Phao-lô bị tù vì rao truyền Danh Chúa. Ông Phao-lô nói ông Ti-mô-thê có một đức tin chân thật, ông thấy Đức Chúa Trời hành động trong lòng vị mục sư trẻ tuổi này và ông biết chắc chắn ông Ti-mô-thê chân thành và chân thật trong niềm tin cũng như trong sự phục vụ Chúa của ông.
Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc đến đức tin của ông Ti-mô-thê. Ông biết đức tin thành thật đó được thừa hưởng từ bà ngoại và mẹ của ông. Bà Lô-ít, bà ngoại ông Ti-mô-thê đã chia sẻ niềm tin cho mẹ của ông Ti-mô-thê là bà Ơ-nít, và cả hai người đã truyền lại di sản đức tin vững chắc của họ cho ông Ti-mô-thê. Sứ đồ Phao-lô nói đức tin “ở trong” bà ngoại và mẹ của ông Ti-mô-thê “chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (câu 5). Chữ “ở” có nghĩa là “sống trong.” Qua gương tin kính Chúa và nếp sống đạo của bà ngoại và mẹ, ông Ti-mô-thê thừa hưởng được niềm tin nơi Chúa của họ. Niềm tin qua ba thế hệ này là niềm tin thật và chân thành, không chỉ ở lời nói hay sự hiểu biết nhưng còn thể hiện qua việc làm, nếp sống hằng ngày. Cầu nguyện, yêu thương, sửa trị, và làm gương sáng cho con cháu là điều bà ngoại và mẹ của ông Ti-mô-thê đã làm cho ông. Chính bằng chứng sống là cuộc đời của mẹ và bà ngoại đã ảnh hưởng sâu đậm trên ông Ti-mô-thê từ tấm bé, đã đem ông đến với Chúa và quyết định chọn hướng đi cho cuộc đời ông là dâng mình phục vụ Chúa trọn thời gian.
Di sản đức tin là vốn liếng quý báu. Hướng đi đúng cho cuộc đời không phải có được trong một sớm một chiều nhưng nhiều khi phải trải qua nhiều thế hệ. Đức tin chân thật, nếp sống tin kính mẫu mực, và sự bền lòng cầu nguyện sẽ góp phần quan trọng trọng sự dạy dỗ con cháu, giúp chúng giữ vững lòng tin khi đến tuổi trưởng thành, và chọn đúng hướng đi cho cuộc đời theo ý Chúa.
Bạn đang để lại những di sản đức tin gì cho con cháu?
Lạy Chúa, xin giúp con học theo gương của bà ngoại và mẹ ông Ti-mô-thê trong việc nuôi dạy con cháu theo Lời Chúa để chúng biết Chúa, tin Chúa, thờ phượng, và phục vụ Ngài.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.