Câu gốc: “Đức Chúa Giê-xu nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bệnh” (câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu ngồi ăn ở đâu và với những ai? Người Pha-ri-si nói gì? Câu trả lời của Chúa cho thấy điều gì về ân sủng của Ngài? Bạn bày tỏ ân sủng vô hạn của Chúa như thế nào?
Từ chương 9 trở đi, người Pha-ri-si bắt đầu theo dõi và có những xung đột trực tiếp với Chúa Giê-xu cùng môn đệ Ngài. Khi thấy Chúa Giê-xu ngồi ăn tại nhà ông Ma-thi-ơ thì người Pha-ri-si nói với môn dệ của Ngài: “Làm sao Thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thu thuế và kẻ xấu nết vậy?” Câu hỏi này cho thấy họ không đánh giá cao về Chúa Giê-xu, thậm chí là đánh đồng Ngài với những người tội lỗi. Họ không thể chấp nhận một người được xem là mộ đạo như Chúa Giê-xu lại có thể ngồi ăn chung với hạng người như vậy. Đứng trước tình huống ấy, Chúa Giê-xu trả lời: “Chẳng phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người có bệnh.” Chúa Giê-xu không gọi những người ăn chung với Ngài là người xấu xa hay tội lỗi như những người Pha-ri-si gọi họ, Ngài thấy họ là những người bệnh tâm linh cần được chữa lành. Đến dùng bữa chung với họ, không phải là việc bất đắc dĩ, nhưng Chúa chủ động đến bên cuộc đời họ, chấp nhận hiện trạng của chính họ, và chữa lành tâm linh cho họ. Chúa Giê-xu không sợ người khác đánh giá về mình, Ngài cũng không ngại sống ngược với những quan điểm, tiêu chuẩn của giáo hội lúc bấy giờ. Ngài ý thức rất rõ về sứ mệnh của mình, ấy là chữa lành tâm linh cho người bệnh và kêu gọi người có tội ăn năn.
Có thể nói hành động Chúa Giê-xu dùng bữa chung với người thu thuế và những người bị coi là xấu xa, không chỉ đem đến tia hy vọng cho những người lâu nay bị loại trừ khỏi cộng đồng dân Chúa, nhưng điều quan trọng hơn là đem đến một cuộc cách mạng tư tưởng cho người đương thời, giúp họ nhận ra không có giới hạn nào trong ân sủng của Đức Chúa Trời dành cho con người tội lỗi, trừ khi họ từ chối ân sủng ấy mà thôi.
Chúng ta thường rất biết ơn Chúa vì Ngài đã chấp nhận một người tội lỗi như mình và cho chúng ta được trở nên con cái yêu dấu của Ngài. Nhưng có khi chúng ta lại rất dè dặt với người khác để chấp nhận và rao truyền Phúc Âm cho họ. Nhiều lúc trong Hội Thánh cũng vẫn còn những ánh mắt, lời nói, hành động thiếu yêu thương, thiếu tinh thần gây dựng lẫn nhau. Chúa đặt để bên cạnh chúng ta những người yếu đuối, những người chưa biết Chúa để chúng ta có cơ hội bày tỏ tình yêu của Ngài cho họ. Ân sủng của Chúa vô biên không giới hạn. Chúa đang dùng mỗi chúng ta bày tỏ ân sủng của Ngài cho mọi người.
Trải nghiệm nào trong đời sống giúp bạn kinh nghiệm ân sủng vô hạn nơi Chúa?
Lạy Chúa, vì yêu tội nhân Chúa đã bằng lòng giáng trần để trở nên một con người như con. Xin cho con ý thức được Chúa chấp nhận, kinh nghiệm ân sủng vô hạn của Ngài để con có thể chấp nhận và yêu người khác bằng một tình yêu không điều kiện như tình yêu không giới hạn của Chúa.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments