top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

03-30 Những lời cảnh báo

Updated: Mar 31, 2021


 

Câu gốc: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản Ta” (câu 21).


Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu mấy lần cảnh báo ông Giu-đa? Những lời cảnh báo ấy có đặc điểm gì? Đáp ứng của ông Giu-đa ra sao? Khi được Chúa nhắc nhở, bạn đáp ứng như thế nào?


Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giê-xu nhiều lần đưa ra lời cảnh báo về sự phản bội của một người trong vòng các sứ đồ. Lời cảnh báo của Chúa đi từ gián tiếp (câu 11-12) đến trực tiếp (câu 18, 21), và cuối cùng Ngài thẳng thắn nói cho người ấy biết (câu 27). Nhưng lạ thay, cho đến hết câu cuối của phân đoạn này là câu 30, ông Giu-đa vẫn qua mặt được tất cả sự nghi ngờ của những người sống gần ông suốt ba năm. Khi Chúa nói có một người trong vòng họ sẽ phản Ngài, “các môn đệ ngó nhau, không biết Ngài nói về ai” (câu 22). Họ cũng không hiểu vì sao Chúa nói với ông Giu-đa: “Sự ngươi làm hãy làm mau đi!” Có lẽ họ vẫn tưởng ông Giu-đa phải đi lo việc chung hoặc đi giúp đỡ người nghèo (câu 28-29). Rõ ràng với họ, ông Giu-đa đến giờ này vẫn là người có vẻ chỉnh chu và có trách nhiệm. Trong mắt họ, ông không hề có biểu hiện gì của một người phản bội.


Thông thường khi nghĩ đến Giu-đa, ta mường tượng ra một người với đôi mắt láo liên, hành vi mờ ám, nhưng rõ ràng ông Giu-đa không phải như thế. Trước mắt mọi người, ông vẫn là một sứ đồ chính danh, có thể vẫn rất xông xáo, chuẩn mực. Thế nhưng, ngay từ Giăng 6:70, khi nhiều môn đệ thối lui không theo Ngài nữa, Chúa Giê-xu đã đưa ra lời cảnh báo có một người trong các môn đệ sẽ phản Ngài. Làm sao Chúa biết ông Giu-đa sẽ phản Ngài? Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời Toàn Tri, suốt ba năm theo Ngài, ông Giu-đa không hề thay đổi. Chúa vẫn thấy sự ham mê tiền bạc, sự cứng lòng nơi ông. Ông đã đóng kịch rất đạt trước mọi người, và có thể đóng kịch rất đạt với chính mình nữa, nhưng ông không thể đóng kịch được với Chúa.


Ông Giu-đa đã đi xuống từng bước một. Nhưng ông phản ứng thế nào khi được Chúa nhắc nhở nhiều lần, nhiều cách? Trong chương 6, Sứ đồ Giăng không ghi lại phản ứng gì của ông. Trong chương 13 này, ông “đi ra” (câu 30). Sa ngã là một tiến trình. Lắng nghe tiếng cảnh báo là một chọn lựa. Ông Giu-đa chọn để ngoài tai, chọn bước ra khỏi nơi có Chúa hiện diện, chọn bước vào bóng tối tội lỗi.

Khi xưa, Vua Đa-vít chỉ cần được Tiên tri Na-than chỉ ra tội lỗi một lần: “Người ấy là vua” (II Sa-mu-ên 12:1-7) thì vua liền ăn năn. Ông Giu-đa, tôi và bạn, cần phải được nhắc nhở bao nhiêu lần mới thức tỉnh? Kỷ niệm Chúa chịu thương khó là cơ hội nhìn vào chính mình để thấy những xấu xa, những thất bại, những bội phản của bản thân, để ăn năn và sám hối.


Bạn có thấy dấu hiệu bội phản nào trong chính mình ngay lúc này không? Thấy rồi, bạn đáp ứng như thế nào với lời nhắc nhở của Chúa?


Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài kiên nhẫn nhắc nhở về những sai phạm của con. Trong mùa kỷ niệm Thương khó này, xin giúp con chân thành nhìn lại mình để ăn năn và thay đổi.


(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

50 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page