Câu gốc: “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì” (Ê-sai 53:3).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu phải chịu sự sỉ nhục ra sao? Ngài phản ứng thế nào? Vì sao Chúa phải nín chịu như vậy? Gương của Chúa giúp gì cho bạn trong mối liên hệ với người khác?
Người ta thường hay nói đùa, “nhịn là nhục.” Nhưng nhịn nhục ở đây có nghĩa nhẫn nại hay kiên nhẫn chịu khổ. Nhịn nhục là một trong những phẩm tính của Trái Thánh Linh mà Cơ Đốc nhân phải sản sinh trong đời sống. Trước giả Gia-cơ cũng cho biết những người sống nhịn nhục và chịu khổ sẽ được phước, như chính tấm gương của ông Gióp (Gia-cơ 5:10-11). Phẩm tính nhịn nhục hay nhẫn nại giúp cho Cơ Đốc nhân biết cư xử nhân ái với những người cố chấp, ương ngạnh hầu có thể đem họ trở lại với Chúa.
Trong phần Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ học theo gương nhịn nhục trong sự vâng phục của Chúa Giê-xu. Sau khi bị Tổng đốc Phi-lát sai đánh đòn và giao đem đi đóng đinh, Chúa Giê-xu bị giải vào sân của dinh Tổng đốc và bị cả đội binh tại đó sỉ nhục. Họ thay phiên nhau giễu cợt Chúa bằng cách “choàng cho Ngài cái áo điều, đội trên đầu Ngài cái mão gai,” “đánh đầu,” “nhổ trên Ngài,” rồi giả bộ “quỳ xuống trước mặt Ngài mà lạy” (câu 17-19). Đó là những hành động nhục mạ hết sức thô bạo mà họ cố tình làm để chế nhạo và làm nhục Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, Ngài không hề phản kháng hay chống cự. Ngài bằng lòng chịu đựng bao sự sỉ nhục đó để hoàn tất sứ mệnh Cha giao trên đất là chịu chết thay cho tội lỗi của nhân loại.
Chúa Giê-xu là Ngôi Hai Đức Chúa Trời, là Vua trên muôn vua, là Chúa của cả vũ trụ, thế mà Ngài bằng lòng chịu tất cả sự sỉ nhục, nhịn nhục đến cùng chỉ để làm trọn chương trình và ý muốn của Đức Chúa Cha. Tiên tri Ê-sai cũng báo trước về sự nhịn nhục của Ngài rằng: “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ… bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem” (Ê-sai 53:3). Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta một tấm gương tuyệt vời về sự nhịn nhục trong vâng phục để hoàn thành mục đích dù có bị xúc phạm và cười nhạo ra sao.
Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân không thể nhịn nhục được khi người khác xúc phạm mình. Chính sự nóng nảy, hơn thua, thiếu nhẫn nhịn của nhiều con cái Chúa đã dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và chia rẽ để lại nhiều hậu quả thật đáng tiếc trong Hội Thánh. Làm sao chúng ta có thể làm chứng về Chúa nếu bản thân mình không thể khiêm nhường và nhịn nhục đối với người khác? Nguyện tấm gương nhẫn nhịn của Chúa Giê-xu sẽ giúp mỗi chúng ta là con cái Ngài biết rèn luyện và luôn thể hiện phẩm tính nhịn nhục đối với mọi người trong tinh thần vâng phục và yêu thương.
Bạn có sẵn lòng nhịn nhục để vâng phục ý muốn Chúa không?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ đến gương vâng phục, nhịn nhục của Chúa để con biết nhường nhịn người khác hầu cho ý muốn Chúa được thành tựu trên đời sống con.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments