Câu gốc: “Hết thảy các đàn bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho” (câu 39b).
Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn này cho biết gì về bà Ta-bi-tha? Bà giúp đỡ những ai và giúp đỡ như thế nào? Từ đây bạn nhận ra ai là người có thể sống cuộc đời yêu thương và chia sẻ cho người khác?
Ta-bi-tha, tên Hê-bơ-rơ, hay Đô-ca, tên Hy Lạp, là một người “trong đám môn đệ” tại thành Giốp-bê (câu 36), bà là một tín hữu bình thường tại một Hội Thánh địa phương. Nói cách khác, “Ta-bi-tha” ngày nay có thể là một tín hữu trong một Hội Thánh nào đó, là bất cứ ai trong chúng ta! Tên Ta-bi-tha có nghĩa là “linh dương,” và bà thật dễ mến, đáng yêu như chính tên gọi của bà. Bà là “người làm nhiều việc lành và hay bố thí” (câu 36). Cụm từ này cho thấy bà Ta-bi-tha làm việc lành như một thói quen hay một cách sống của bà.
Bà Ta-bi-tha đã bày tỏ tình thương cho “hết thảy các đàn bà góa” (câu 39). Vào thời bấy giờ, đàn bà góa thường bị bỏ quên trong xã hội, là những người thấp cổ bé họng, dễ bị ức hiếp và lừa gạt. Ngay cả giới lãnh đạo tôn giáo cũng lợi dụng họ (Mác 12:38-40). Quan tâm và giúp đỡ những đàn bà góa đồng nghĩa với việc bà Ta-bi-tha làm việc lành mà không mong đợi một sự trả ơn nào cả. Ngày nay, Hội Thánh chúng ta chia sẻ lương thực hay áo quần cho những người vô gia cư hay gặp thiên tai là vì động cơ gì? Vì yêu thương họ, hay chỉ vì đáp ứng với lời kêu gọi của một phong trào trong một giai đoạn nào đó? Hay đó là một cách “đầu tư” cho danh tiếng và những kế hoạch tương lai?
Bà Ta-bi-tha đã may cho họ những “áo xống và áo ngoài” (câu 39). Việc lành của bà Ta-bi-tha đơn giản chỉ là những việc bà có thể tự mình làm được. Bà đã may cho người này “áo xống, người kia “áo ngoài,” tùy theo nhu cầu của họ, và rõ ràng đối với những bà góa này thì đây là những món quà rất có giá trị đến nỗi họ đã đem ra khoe với Sứ đồ Phi-e-rơ khi nói về lòng tốt của bà Ta-bi-tha. Chúng ta vẫn thường viện cớ này cớ nọ để từ chối làm việc lành, nhưng gương bà Ta-bi-tha dạy chúng ta, mỗi người đều có thể sử dụng những gì Chúa ban cho mình để chia sẻ, giúp đỡ người khác cách hiệu quả.
Và câu chuyện đã có một “kết thúc có hậu” khi bà Ta-bi-tha được sống lại (câu 41) và “có nhiều người tin theo Chúa” (câu 42). Bà Ta-bi-tha đã để Đức Chúa Trời dùng mình qua những việc lành khi còn sống, cũng như khi qua đời để cứu linh hồn nhiều người. Khi bà nằm xuống, những người chung quanh nói với nhau về tình yêu và lòng tốt của bà. Nếu hôm nay chúng ta nằm xuống, người khác sẽ nói gì về cuộc đời chúng ta?
Bạn có sẵn lòng làm việc lành cho những người chung quanh không?
Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng của Ngài để nhìn thấy nhu cầu của những người quanh con và sẵn sàng hành động để đem đến những sự giúp đỡ, an ủi, và nâng đỡ họ, khiến họ nhận biết Chúa qua những việc lành của con.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
コメント