Câu gốc: “Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quý trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau” (câu 24b, 25).
Câu hỏi suy ngẫm: Quan điểm sai lầm giữa các chi thể trong thân là gì? Có sự so sánh tiêu cực ra sao giữa các chi thể với nhau? Lời Chúa dạy mối liên hệ giữa các chi thể với nhau thế nào? Hội Thánh ngày nay đã có những sai lầm nào giống như Hội Thánh Cô-rinh-tô ngày trước?
Tiếp tục dạy về mối liên hệ giữa các chi thể trong thân, Sứ đồ Phao-lô nêu ra quan điểm sai lầm của một số chi thể khi nghĩ rằng mình tồn tại mà không cần sự hiện diện của một hay nhiều chi thể khác (câu 21). Có quan điểm này vì chi thể ấy cho rằng những chi thể khác là yếu đuối, hèn hạ và xấu xí, hay nói cách khác chi thể ấy cho rằng mình mạnh mẽ, cao trọng, và đẹp đẽ nên chẳng cần đến ai. Nhưng Sứ đồ Phao-lô cho biết đây là những tư tưởng sai lầm và không nên tiếp tục nuôi dưỡng. Bởi vì “chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn” (câu 22-23). Trong một thân, mặc dù vai trò và vị trí giữa các chi thể có vẻ như không bình đẳng, nhưng thực tế thì chẳng có chi thể nào là hèn hạ cả, chỉ có “chúng ta nghĩ là hèn hạ” mà thôi. Mỗi chi thể đều có một chức năng quan trọng trong thân. Cho nên đó không phải là lý do để các chi thể phân rẽ nhau ra.
Tư tưởng sai lầm này đã tồn tại giữa vòng Hội Thánh Cô-rinh-tô, khi có những người nhận lãnh ân tứ Thánh Linh và nghĩ rằng ân tứ của mình là quan trọng nhất, điều ấy đồng nghĩa mình là người quan trọng nhất và dẫn đến cái nhìn cao ngạo, xem thường anh chị em khác trong gia đình đức tin.
Và phải chăng đây cũng là xu hướng vẫn còn thể hiện trong vòng Hội Thánh chúng ta ngày nay? Nhiều khi chúng ta rất quan tâm đến những “chi thể đẹp,” có thể là những người có chức vụ, có thành tích, trí thức, hoặc giàu có v.v… mà bỏ quên những “chi thể chẳng đẹp” là những tín hữu bình thường, hoặc nghèo khó, hoặc khuyết tật v.v… Hoặc một số người nhận thấy mình có năng lực nên bất cần đến anh chị em khác vì cho rằng họ không có năng lực bằng mình. Hình ảnh các chi thể của thân dạy chúng ta rất nhiều. Tập thể cần chúng ta, nhưng không có nghĩa rằng chúng ta có thể thay thế mọi người và không cần đến ai! Lời Chúa dạy trong câu 25-26 rằng, các chi thể không được phân rẽ nhưng phải quan tâm, lo tưởng đến nhau. Dù muốn hay không muốn thì giữa con dân Chúa đều cần đến nhau, vui cùng hưởng, hoạn nạn cùng sẻ chia.
Bạn đã thực hiện trách nhiệm với các chi thể khác như thế nào?
Kính lạy Đức Chúa Trời Yêu Thương và Công Bình! Con tạ ơn Chúa về sự nhắc nhở của Lời Ngài, xin cho con biết rõ và khắc sâu mục đích Chúa đặt để con trong gia đình đức tin để luôn lo tưởng đến nhau.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comentários