Câu gốc: “Vả, cả dân sự nghe sấm vang, tiếng kèn thổi, thấy chớp nhoáng, núi ra khói, thì run rẩy và đứng cách tận xa” (câu 18)
Câu hỏi suy ngẫm: Khung cảnh Chúa hiện ra với dân Chúa như thế nào? Đáp ứng của ông Môi-se và dân Chúa khác nhau ra sao? Tại sao Chúa bày tỏ uy quyền mạnh mẽ trước dân Ngài? Bạn làm gì để có thể mạnh dạn và vui mừng trước sự hiện diện của Chúa?
Kinh Thánh mô tả Chúa giáng lâm trên núi Si-na-i với những hiện tượng siêu nhiên rúng động như sấm vang, chớp giật, tiếng kèn thổi, núi bốc khói. Dân Chúa đã chứng kiến sấm động, mưa đá, lửa lòe trên mặt đất khi Ngài giáng tai họa thứ bảy “Mưa Đá” xuống dân Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:23-24). Nhận biết một Đức Chúa Trời chí thánh, Đấng phán xét đang ở gần, họ “run rẩy và đứng cách tận xa” (câu 18). Trong khi trước đó, một số người tò mò muốn vượt qua phân định giới hạn để nhìn thấy Chúa rõ hơn (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:21). Họ đề nghị ông Môi-se làm người trung gian giữa Chúa và họ. Dân Chúa cũng hứa sẽ nghe lời ông Môi-se và nhờ ông cầu xin Chúa đừng phán cùng họ, e họ phải chết (câu 19). Ngược lại với dân Chúa, ông Môi-se rất bình an. Ông có mối quan hệ mật thiết với Chúa, biết rõ Chúa yêu dân Chúa và Ngài có chương trình tốt đẹp cho họ. Ông Môi-se khuyên dân Chúa đừng hoảng sợ vì Chúa không đến để trừng phạt hay hủy diệt họ. Chúa bày tỏ uy quyền để dân Chúa nhận biết Ngài là Chân thần, Ngài khác hẳn với các thần tượng ở Ai Cập, hầu cho họ có thái độ đúng đắn trước Ngài, tôn kính và không vi phạm luật pháp của Ngài. Trong khi dân Chúa đứng xa xa, ông Môi-se tiến lại gần đám mây đen kịt, nơi Đức Chúa Trời đang ngự (câu 21).
Chúa luôn yêu thương dân Ngài nhưng đôi khi Chúa phán với dân Ngài kèm theo những hiện tượng siêu nhiên dữ dội, còn có những lúc khác, Ngài phán dạy họ với giọng nói nhỏ nhẹ như người mẹ thủ thỉ với con thơ. Sự khác biệt tùy theo mục đích của Ngài để đem đến cho dân Chúa điều tốt nhất. Tại núi Si-na-i, năng quyền siêu nhiên của Chúa được bày tỏ cũng để làm thành lời hứa với ông Môi-se rằng Ngài sẽ khiến dân Chúa nghe lời ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:9).
Chúa là ai đối với chúng ta? Mối quan hệ của chúng ta với Chúa sẽ quyết định thái độ của chúng ta trước sự hiện diện của Ngài. Nếu chúng ta nhận thức Chúa là Đấng Chí Thánh, thì sẽ không dám khinh dễ luật pháp của Ngài nhưng nghiêm chỉnh làm theo Lời Ngài dạy. Nếu lỡ phạm tội, chúng ta phải ăn năn, xin Chúa tha thứ, làm hòa với Ngài ngay lập tức, như vậy chúng ta mới có thể mạnh dạn đến với Chúa mỗi ngày và kinh nghiệm tình Chúa yêu ngọt ngào thay!
Bạn kinh sợ Chúa và đứng cách xa Ngài hay yêu Chúa và mạnh dạn đến với Ngài mỗi ngày?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài là Đấng nhân từ sẵn lòng tha thứ để con có thể đến gần Chúa, và Ngài cũng là Đấng thánh khiết để con bước đi ngay thẳng trước mặt Ngài. Xin Chúa cho con luôn nhận thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời con và yêu thích những giờ phút ở bên Ngài.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comentarios