Câu gốc: “Kẻ giàu và người nghèo đều gặp nhau; Đức Giê-hô-va đã dựng nên cả hai” (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn cho biết người giàu và người nghèo có điểm chung nào? Không nhận ra điều này sẽ phạm những sai lầm nào khi cư xử với người khác? Câu Châm-ngôn này giúp bạn thế nào trong việc quản trị Hội Thánh?
Vua Sa-lô-môn so sánh hai khái niệm thường dùng để đánh giá một người theo thứ tự ưu tiên, đó là “danh tiếng tốt” rồi mới đến “tiền của” (câu 1), thế nhưng trong câu 2, ông lại không hề đề cập đến “tiền của” như một tiêu chuẩn để đánh giá vì ông nói rằng “kẻ giàu” hay “người nghèo” đều có giá trị như nhau, cả hai đều là tạo vật của Đức Chúa Trời. Như vậy, nền tảng của sự tôn trọng và bình đẳng nằm trong sự sáng tạo, và vì không nhận ra điều này nên xã hội không bao giờ xóa bỏ được tình trạng bất bình đẳng.
Cả Vua Sa-lô-môn và Sứ đồ Phao-lô đều cho rằng về phương diện xã hội, tuy có sự khác biệt giữa địa vị người giàu và người nghèo (Châm-ngôn 22:7; Ê-phê-sô 6:9) nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, mọi người đều như nhau và cần được tôn trọng như nhau. Hiểu được điều này giúp cho người giàu không kiêu ngạo về sự giàu có của mình, và người nghèo cũng không mặc cảm về sự nghèo khó của mình. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không đánh giá dựa vào những điều chúng ta sở hữu chỉ thuộc về đời này nhưng dựa vào thái độ của chúng ta đối với Ngài và Lời Ngài (Ma-thi-ơ 7:24-27).
Trước đó, trong Châm-ngôn 14:31, Vua Sa-lô-môn còn nhấn mạnh rằng nếu chúng ta xúc phạm và coi thường người nghèo là đang khinh miệt Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra họ, nhưng nếu chúng ta cư xử tử tế với người nghèo, chúng ta đang tử tế với chính Ngài.
Ông Gia-cơ cũng nhấn mạnh về vấn đề cư xử thiếu công bằng và không tôn trọng nhau trong nhà thờ dựa vào sự giàu nghèo hay tình trạng xã hội, ông nói rằng cư xử thiên vị là phạm tội (Gia-cơ 2:1-13). Sự dạy dỗ của ông Gia-cơ cho thấy sự thiên vị trong cộng đồng Cơ Đốc là có thật, do đó cần phải loại trừ. Trong thực tế, nhiều nhà thờ vẫn có xu hướng tôn trọng người giàu có, học thức, địa vị cao hơn là những người nghèo khó, ít học, hay người lao động tay chân. Chúa sử dụng mỗi người ở một vị trí khác nhau trong Hội Thánh tùy theo ta-lâng Ngài ban, nhưng để quản trị tốt Hội Thánh thì sự tôn trọng dành cho mọi người là điều không thể thiếu.
Chúng ta hãy tra xét lòng mình có tôn trọng mọi người trong nhà thờ như nhau chưa bằng cách tự hỏi: Tôi có xem những tín hữu nghèo khổ, cư trú trong những căn nhà tạm bợ là gánh nặng của nhà thờ mình không? Đứng trước cùng một yêu cầu giữa một tín hữu giàu và tín hữu nghèo, tôi ưu tiên đáp ứng yêu cầu của ai? Tôi có chào hỏi người bảo vệ nhà thờ và mục sư quản nhiệm như nhau không? v.v…
Bạn có tôn trọng tất cả mọi người như nhau không?
Cảm tạ Chúa đã tạo dựng nên mỗi chúng con theo hình ảnh của Ngài. Xin cho con sống cuộc đời yêu thương và tôn trọng anh chị em mình.
(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Commentaires