top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

11-24 Tình yêu thương hay nhịn nhục


 

Câu gốc: “Tình yêu thương hay nhịn nhục…” (câu 4a).


Câu hỏi suy ngẫm: Cụm từ “hay nhịn nhục” có nghĩa là gì? Chúa Giê-xu đã nhịn nhục với chúng ta như thế nào? Người sống nóng nảy thường dẫn đến hậu quả gì? Làm thế nào để thể hiện “tình yêu thương hay nhịn nhục” với mọi người?


Tình yêu thương thật được Sứ đồ Phao-lô mô tả với những biểu hiện trong câu 4 đến câu 7. Biểu hiện đầu tiên là “Tình yêu thương hay nhịn nhục.” Cụm từ “hay nhịn nhục” trong tiếng Hy Lạp là “makrothumeo” nghĩa là chịu đựng lâu dài, bền bỉ nhịn nhục, không vội phản ứng nóng giận với người khác. Đây không phải là phản ứng tiêu cực của một người nhút nhát không dám đối diện với sự bất công hay không dám lên tiếng bảo vệ công lý, chỉ biết im lặng nín chịu, nhưng đây chính là thái độ tích cực của một Cơ Đốc nhân trưởng thành. Và đây cũng là một trong những phẩm tính của Trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22).


Không phải vô tình mà Sứ đồ Phao-lô sắp xếp đức tính “hay nhịn nhục” đầu tiên trong phần liệt kê của mình, nhưng sự nhịn nhục là một sự thể hiện tình yêu mạnh mẽ nhất của một người dành cho người mình yêu. Đó là sự nhịn nhục của Chúa Giê-xu mà Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói trong Thư II Phi-e-rơ 3:9: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Khi yêu thương, chúng ta sẽ không có việc nóng nảy trả thù, không nghĩ đến việc trả đũa với người sỉ nhục hay gây thương tổn cho mình. Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta chịu đựng lâu dài, bền bỉ, kiên nhẫn.


Ngược lại với đức tính nhịn nhục là nóng nảy. Một người có thể ban cho, thậm chí hy sinh mọi thứ của bản thân nhưng chỉ cần một câu nói làm tổn thương thì không nhịn được và nổi cơn nóng giận. Nếu phẩm tính nhịn nhục đem đến sự hòa thuận, lan tỏa yêu thương, thì bản tính nóng nảy, không nhịn nhục có sức tàn phá khủng khiếp đập tan mọi mối quan hệ, mọi tình cảm đã từ lâu vun đắp.

Lời than vãn về tình trạng đạo đức của con người ngày nay được thấy nhiều nơi và trong nhiều lãnh vực. Con người càng ngày càng thiếu đi lòng nhịn nhục, người ta sẵn sàng gây tổn thương nhau, sẵn sàng đâm chém, giết người vì không thể nhịn nhục nhau. Trong bối cảnh đó, Cơ Đốc nhân là những người được sở hữu tình yêu thương, nhịn nhục của Chúa Giê-xu, nên chúng ta phải học theo gương của Chúa để bày tỏ tinh thần “tình yêu thương hay nhịn nhục” đối với nhau trong Hội Thánh và với người lân cận của mình.


Bạn có luôn thể hiện nếp sống “tình yêu thương hay nhịn nhục” với người khác không?


Kính lạy Đức Chúa Trời yêu thương! Con tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương con và chờ đợi, ban cho con cơ hội để ăn năn. Xin giúp con học theo gương Chúa để bày tỏ đời sống yêu thương, nhịn nhục với mọi người chung quanh con.


(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

65 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page