“Với những người không luật pháp, (dù đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp” (I Cô-rinh-rô 9:21).
Câu hỏi suy ngẫm: Cuộc họp mặt của Sứ đồ Phao-lô với các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem diễn ra như thế nào? Các trưởng lão khuyên ông làm gì và ông đã đáp ứng như ra sao? Tại sao ông làm như thế? Bạn được nhắc nhở gì trong bài học hôm nay?Sứ đồ Phao-lô và các anh em đi cùng được các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem đón tiếp rất niềm nở (câu 17). Ngày hôm sau có buổi họp mặt với các trưởng lão tại nhà ôngGia-cơ, em Chúa Giê-xu và cũng là một lãnh đạo nòng cốt ở Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Các trưởng lão ca ngợi Đức Chúa Trời sau khi nghe về công việc Chúa đã làm giữa các Dân Ngoại (câu 19-20). Sau đó, họ cho ông biết có hàng vạn người Do Thái tin Chúa vẫn đang sốt sắng giữ luật pháp, hoang mang vì tin đồn rằng ông dạy dỗ những người Do Thái ở giữa Dân Ngoại phải bỏ luật pháp Môi-se, đừng cắt bì cho con trai và không cần tuân giữ các tục lệ nữa (câu 21). Các trưởng lão biết đây chỉ là lời đồn huyễn. Họ đề nghị Sứ đồ Phao-lô đưa bốn người đang mắc lời thề nguyện đi cắt tóc và làm lễ thanh tẩy cùng họ để kết thúc thời gian hứa nguyện. Làm như vậy, các tín đồ Do Thái sẽ nhìn thấy chính Sứ đồ Phao-lô vẫn còn giữ truyền thống để họ không còn hoang mang do tin đồn về ông.
Sứ đồ Phao-lô đã thực hiện theo lời khuyên của họ để giữ hòa khí trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Mặc dù ông là người tin chắc rằng chỉ nhờ ân sủng của Chúa Giê-xu và bởi đức tin để được cứu. Luật pháp trong thời Cựu Ước chỉ cho con người nhìn thấy tội lỗi và sự bất lực khi cố gắng giữ luật pháp để được cứu. Những nghi thức truyền thống của người Do Thái mang tính biểu tượng về sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu đã lỗi thời. Tuy vậy, vì lợi ích của anh em Do Thái, ông nhượng bộ, giữ luật truyền thống đem lại sự bình hòa cho những anh em ở đây.Trong cuộc sống theo Chúa, có những lúc sự nhượng bộ đem lại ích lợi nhưng có những lúc chúng ta cần kiên quyết nói “Không” khi điều đó ảnh hưởng đến niềm tin. Điều quan trọng là xin Chúa soi sáng để phân biệt. Nhiều Hội Thánh bị chia rẽ do bất đồng về những điều nhỏ nhặt trong nghi thức truyền thống. Chúng ta cần theo gương Sứ đồ Phao-lô, đứng vững trên niềm tin căn bản của mình và có thể linh động nhượng bộ những điều không thật sự cần thiết để theo đuổi sự hòa bình và ích lợi cho việc truyền bá Phúc Âm.
Cơ Đốc nhân phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương. Cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình (Ê-phê-sô 4:2-3).
Lạy Chúa, xin cho con sự khôn ngoan để sống theo đức tin nơi Ngài và chỉ dạy con những gì nên làm để đem lại sự hiệp nhất trong thân thể Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.