“Tôi thấy sự vượt biển này chắc sẽ phải nguy hiểm và hư hại,chẳng những cho hàng hóa và chiếc tàu mà thôi, lại đến thân chúng ta nữa. Nhưng thầy đội tin lời người lái tàu và chủ tàu hơn là lời Phao-lô nói” (câu 10-11).
Câu hỏi suy ngẫm:
Tại sao thầy đội không tin lời Sứ đồ Phao-lô cảnh báo về nguy hiểm của chuyến đi?
Họ đã quyết định như thế nào? Hậu quả ra sao? Bạn cần làm gì để có sự khôn ngoan thật?
Chuyến đi khởi đầu đến La Mã của Sứ đồ Phao-lô rất vất vả do tàu gặp gió ngược nên đã mất quá nhiều thời gian mới đến được Mỹ Cảng, giờ đây hành trình tiếp theo lại càng trở nên nguy hiểm hơn vì đã qua kỳ kiêng ăn, tức là đại Lễ Chuộc Tội, được cử hành vào cuối tháng chín hay đầu tháng mười (Lê-vi Ký 16), đó là thời điểm có nhiều mưa bão rất nguy hiểm khi đi trên biển Địa Trung Hải (câu 9). Với kinh nghiệm đi biển trong những hành trình truyền giáo của mình, Sứ đồ Phao-lô cảnh báo với mọi người rằng ông thấy chuyến đi chắc sẽ gặp nguy hiểm (câu 10) nhưng viên đội trưởng tin lời người lái tàu và chủ tàu hơn vì cảng này nhỏ không tiện cho tàu của họ trú qua mùa đông. Họ cố gắng đưa tàu đến Phê-nít là cảng lớn của đảo Cơ-rết. Sau đó họ thấy gió Nam thổi nhẹ, viên đội trưởng và chủ tàu tưởng có thể thực hiện kế hoạch đi đến đảo Cơ-rết nên quyết định nhổ neo cho tàu chạy dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, thời tiết thay đổi, một trận cuồng phong từ trên đảo thổi ào ào xuống khiến không thể lái tàu theo lộ trình đã định, cũng không thể đưa tàu vào bờ nên họ đành để mặc cho tàu trôi dạt theo chiều gió (câu 14-15).
Sứ đồ Phao-lô đã phát biểu với mọi người căn cứ kinh nghiệm của ông vì ông nói “Tôi thấy…” (câu 10), tuy nhiên chúng ta tin ông cũng được sự soi sáng từ Đức Chúa Trời căn cứ vào câu 23-26. Người lái tàu và chủ tàu là những người có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong nghề đi biển, tuy nhiên cũng có lúc họ nhận định tình hình không đúng khiến tai họa xảy ra. Trong cuộc sống, người ta thường đặt lòng tin vào những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong một lãnh vực nào đó. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của con người có giới hạn nhất định. Là con cái Chúa, chúng ta cần trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm sống của những người đi trước nhưng trên hết phải cầu hỏi và nhạy bén với sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời. Lời Chúa cho chúng ta bí quyết để có sự khôn ngoan thật, đó là hãy sống kính sợ Chúa, vâng Lời Chúa dạy thì sẽ có sự khôn ngoan Chúa ban: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan; phàm người nào giữ theo điều răn Ngài có trí hiểu” (Thi-thiên 111:10).
Bạn biết mình có sự khôn ngoan thật Chúa cho chưa?
Lạy Đức Chúa Trời là nguồn của sự khôn ngoan, con biết kiến thức do học hỏi của con vô cùng giới hạn, xin Chúa cho con biết sống kính sợ Chúa và vâng giữ Lời Ngài luôn để con có sự khôn ngoan thật Chúa ban.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.