“Con cháu Ít-ra-ên thêm nhiều lạ lùng, nẩy nở ra, và trở nên rất cường thạnh; cả xứ đều đầy dẫy” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Dân số Ít-ra-ên phát triển như thế nào? Phản ứng của vua Ai Cập đối với sự phát triển của người Ít-ra-ên cho biết điều gì? Bạn rút ra những bài học nào để sống khôn ngoan?
Sách Xuất Ê-díp-tô Ký kể lại những câu chuyện diệu kỳ trong hành trình ra khỏi Ai Cập của người Ít-ra-ên. Chúa đã bày tỏ chính Ngài thật rõ ràng: Một Đức Chúa Trời duy nhất, hiện hữu, hằng hữu, thánh khiết, công bình, thành tín, toàn tri, toàn năng, toàn ái thể hiện qua sự hiện diện, hướng dẫn, và chu cấp mọi nhu cầu cho tuyển dân suốt hành trình giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ ở xứ Ai Cập. Khi con cháu của ông Gia-cốp di chuyển xuống Ai Cập để tránh nạn đói gồm 70 người (câu 5); nếu kể cả ông Gia-cốp và gia đình của ông Giô-sép đã ở tại Ai Cập, là 75 người (Công Vụ 7:14). Dù ở trọ nơi đất khách, không có quyền công dân và bị giới hạn nhiều phương diện, nhưng chỉ trong 430 năm (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:40), gia đình của ông Gia-cốp (Ít-ra-ên) đã sinh sôi nảy nở đông đảo đến nỗi có thể trở thành mối đe dọa cho cường quốc Ai Cập.
Danh sách các con trai của ông Gia-cốp (câu 2) liệt kê theo thứ tự con của hai bà Lê-a và Ra-chên, sau đó là con của các nàng hầu Bi-la và Xinh-ba, cho thấy dù không có quan tướng cai trị nhưng dân tộc Ít-ra-ên đã gìn giữ truyền thống của gia tộc mình. Họ sống ở vùng đất Gô-sen, thờ phượng Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất trong khi người Ai Cập thờ đa thần. Người Ít-ra-ên được Đức Chúa Trời ban phước và Chúa thành tín đã làm ứng nghiệm lời hứa với các ông Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp về một dòng dõi đông như sao trời, cát biển (Sáng Thế Ký 17:2, 6; 22:17; 26:4; 28:14). Pha-ra-ôn đã nhận ra sự phát triển kỳ lạ của người Ít-ra-ên nhưng ông không biết và cũng không tìm hiểu tại sao họ có được ơn phước như thế. Vua đã dùng những biện pháp khôn ngoan của mình để khống chế dân số Ít-ra-ên bùng nổ; đồng thời cũng dùng quyền lực để khủng bố tinh thần, cưỡng bức tuyển dân làm việc nặng nhọc hòng làm tiêu hao sức sinh sản của họ. Kế sách này cho thấy trí óc giới hạn của một vị vua không tin kính Chúa. Vua không biết rằng con cái là cơ nghiệp được Đức Chúa Trời ban cho (Thi Thiên 127:3) nên dân Chúa vẫn trở nên hùng mạnh dù bị đàn áp mọi mặt.
Lời Chúa khẳng định: “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm Ngôn 9:10). Cơ Đốc nhân ngày nay được kêu gọi vào sự khôn ngoan thật, đó là nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời và trung tín thuận phục mọi đường lối của Ngài.
Bạn có đang lạm dụng thẩm quyền để kiềm hãm bước tiến của người khác không?
Chúc tụng Đức Chúa Trời thành tín! Xin Cha ban phước cho con và dòng dõi của con sau này. Xin giúp con và gia đình con biết kính yêu Chúa, tìm kiếm ý muốn của Ngài và vâng phục Ngài luôn luôn.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.