Câu gốc: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cắt tóc mà ném cho xa đi; hãy cất tiếng thảm sầu trên các gò trọi! Vì Đức Giê-hô-va đã chê chối lìa bỏ dòng dõi này, mà Ngài tức giận” (câu 29).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao trước những tội lỗi mà người Giu-đa cứ cứng lòng vi phạm? Hành động “cắt tóc” nói lên ý nghĩa gì? Tô-phết và Hi-nôm sẽ ra sao? Khi đánh mất lẽ thật, con dân Chúa sẽ rơi vào thảm họa nào?
Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã nhiều lần, nhiều cách khác nhau để khuyên dạy dân Chúa từ bỏ thờ lạy tà thần gớm ghiếc, ăn năn tội lỗi quay về với Ngài, nhưng họ vẫn cứng lòng “không chịu nhận sự dạy dỗ,” cứ bước đi theo điều sai trật, “sự chân thật mất rồi, đã dứt khỏi miệng chúng nó” (câu 28). Vì thế, trong “những ngày đến,” (câu 32) là thời điểm họ phải đón nhận hậu quả cho những việc làm sai trái vì không có sự hướng dẫn của lẽ thật, Đức Giê-hô-va phán rằng Ngài đã khước từ họ, không còn quan tâm đến dòng dõi của họ, là dòng dõi đã làm cho Ngài buồn giận (câu 29). Việc Chúa bảo dân Ngài hãy “…cắt tóc mà ném cho xa đi; hãy cất tiếng thảm sầu trên các gò trọi” để bày tỏ niềm đau thương mà họ sắp phải đón nhận. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, từ chỉ về “tóc” có liên hệ với từ “Na-xi-rê.” Một người Na-xi-rê chỉ bị buộc phải cắt tóc khi bị ô uế theo nghi lễ (Dân Số Ký 6:9), thì cũng thế, tuyển dân đã vi phạm luật pháp của Chúa, đời sống của họ ô uế trước mặt Ngài, họ đã bị Chúa khước từ, bởi thế Đức Giê-hô-va bảo họ phải cắt tóc và ném xa đi.
Dân Chúa phải nhận sự rủa sả, đất cũng vì họ mà phải nhận sự hình phạt từ Đức Chúa Trời. Tô-phết và Hi-nôm là hai địa danh sẽ được gọi tên mới là “trũng của sự chém giết,” là nơi đầy dẫy sự tàn sát, chết chóc. Đất đó sẽ trở nên nghĩa địa đầy những xác chết. Hơn thế nữa, Kinh Thánh mô tả rằng ở nơi đó sẽ “thiếu chỗ chôn.” Những thây ấy sẽ làm thức ăn cho chim trên trời và thú ngoài đồng (câu 32-33). Hình ảnh “chàng rể,” “cô dâu” tượng trưng cho sự vui mừng nhưng Tiên tri Giê-rê-mi cho biết rằng các thành nơi người Giu-đa cư ngụ và cả những đường phố tại Giê-ru-sa-lem sẽ thiếu vắng niềm vui, trở nên buồn thảm và hoang tàn (câu 34).
Khi con người đánh mất lẽ thật thì hậu quả thật sự hết sức nặng nề, kinh khiếp. Vì xa rời lẽ thật nên họ sẽ làm những điều sai trật và phải nhận lãnh hình phạt từ Đức Chúa Trời. Điều kinh khiếp hơn cả là bị Chúa khước từ, loại bỏ trong cơn thịnh nộ của Ngài. Chúng ta cần nhớ, Đức Giê-hô-va đầy dẫy sự nhân từ, chậm giận, giàu ơn nhưng Ngài không bao giờ kể người có tội là vô tội (Dân Số Ký 14:18).
Bạn có run sợ khi học biết những hậu quả của việc đánh mất lẽ thật không?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin cho con cảm nhận sự kinh khiếp khi đời sống xa rời lẽ thật, để con không khinh lờn, không chậm trễ mà luôn nhạy bén trước những lời Ngài truyền dạy, nhắc nhở, khuyên lơn, và vui sống trong lẽ thật của Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.