Câu gốc: “Chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau” (Rô-ma 12:5).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô lấy hình ảnh gì để minh họa về Hội Thánh? Hình ảnh đó nói lên điều gì trong mối liên hệ với nhau trong Hội Thánh? Là các chi thể trong cùng một thân, chúng ta phải sống với nhau như thế nào?
Trong thư gửi cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô, Sứ đồ Phao-lô đã nhờ ơn Chúa vẽ lên một bức tranh tuyệt vời về sự hiệp nhất trong Hội Thánh qua hình ảnh của một thân thể. Ông ví sánh Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ mà chính Ngài là Đầu (Ê-phê-sô 5:23). Trong một thân có nhiều chi thể, mỗi chi thể giữ vai trò và chức năng khác nhau, nhưng tất cả chi thể phải hòa quyện với nhau để cùng thực hiện tốt chức năng của thân và cùng xây dựng thân thể khỏe mạnh.
Sứ đồ Phao-lô cũng nêu ví dụ cụ thể rằng chi thể này không thể nói chẳng cần đến chi thể kia (câu 21) hay cho rằng mình không thuộc về thân (câu 15-16). Và cả thân cũng không thể chỉ có một chi thể giống nhau: “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?” (câu 17). Ông đưa ra những hình ảnh này để các tín hữu thấy rằng Chúa đặt để mỗi thành viên trong Hội Thánh ở những vị trí với những trách nhiệm và chức năng khác nhau (câu 18-20). Từng chi thể phải nhận biết vị trí cũng như chức năng của mình để thực hiện tốt theo sự đặt để của Chúa. Hơn thế nữa, mỗi chi thể phải biết “lo tưởng” đến nhau để giúp nhau cùng tăng trưởng (câu 23-25). Nếu có một chi thể bị suy yếu thì sẽ ảnh hưởng đến cả thân. Trái lại, khi một chi thể được tôn trọng thì các chi thể khác cũng được vui mừng (câu 26).
Tục ngữ Việt Nam có câu “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ,” quan niệm con người còn như vậy huống chi là những chi thể trong thân của Chúa. Chúng ta nên sống yêu thương, hiệp một chân thành với nhau trong Hội Thánh. Khi một tín hữu có nan đề thì các con cái Chúa khác phải biết quan tâm, hỗ trợ, nâng đỡ, và khích lệ lẫn nhau. Chúng ta là anh chị em trong Hội Thánh dù khác nhau về sắc tộc, hoàn cảnh, giai cấp… nhưng tất cả đều có chung một Cha Thiên Thượng và chung một Chúa Thánh Linh trong cùng một thân của Đấng Christ, vì vậy Hội Thánh phải hiệp một với nhau (câu 13). “Anh em như thể tay chân” rất đúng với ý nghĩa hình ảnh Hội Thánh mà Sứ đồ Phao-lô mô tả ở đây. Ngoại trừ tay giả hoặc chân giả, thì tay hay chân không thể tách rời khỏi thân, cũng vậy, mỗi tín hữu trong Hội Thánh cần gắn bó yêu thương nhau và liên kết với thân để được lớn lên và khỏe mạnh.
Các tín hữu tại Hội Thánh bạn có cư xử với nhau như anh chị em trong một gia đình không?
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức con là một chi thể trong thân thể của Chúa để con luôn biết sống yêu thương và lo tưởng đến các chi thể khác trong thân thể Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.