“Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa Trời của các tầng trời” (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Nê-hê-mi biết được gì về tình trạng của thành Giê-ru-sa-lem? Ông đã làm gì khi nghe về tình trạng đó? Điều đó cho thấy tâm tình của ông Nê-hê-mi như thế nào? Bạn thấy gì về thực trạng của Hội Thánh, ban ngành, hay đất nước mình? Bạn làm gì trước thực trạng ấy?
Sống trong thời kỳ hậu lưu đày, ông Nê-hê-mi là thế hệ thứ ba, sinh ra tại Ba-by-lôn nên ông chỉ biết đến Giê-ru-sa-lem qua lời dạy của ông bà, cha mẹ. Trong thời bấy giờ, ông Nê-hê-mi được bổ nhiệm làm quan tửu chánh của vua (câu 11). Dù đang có cuộc sống sung túc và yên ổn nơi xứ người, nhưng lòng ông chưa bao giờ ngưng hướng về cội nguồn của mình. Khi có cơ hội, ông Nê-hê-mi liền hỏi thăm về tình hình quê nhà dù thân ông xa cách thành thánh ngàn trùng. Ông quan tâm đến tình trạng của những người còn lại trong xứ không bị lưu đày cùng công việc tại thành Giê-ru-sa-lem (câu 2). Ông vô cùng đau xót khi nghe thuật lại cảnh trạng của dân tộc mình và sự đổ nát của bức tường thành Giê-ru-sa-lem cùng với các cổng thành cháy rụi (câu 3). Lòng yêu mến quê hương và dân tộc của ông Nê-hê-mi không chỉ dừng lại ở việc hỏi thăm, nhưng còn thể hiện qua nỗi đau buồn quay quắt mà ông Nê-hê-mi mang lấy khi hay tin quê nhà lâm vào cảnh điêu tàn. Chúng ta biết được điều đó qua hành động ông khóc thương cho dân tộc mình, buồn bã như người đang cư tang. Và cao điểm của sự đau thương ấy là ông kiêng ăn và cầu nguyện cho dân tộc của mình. Khi nỗi đau đi đến tận cùng thì điều duy nhất ông có thể làm là chạy đến với Đức Chúa Trời, cầu xin ơn thương xót của Ngài đoái hoài đến tình cảnh bi thương của dân tộc mình. Chúng ta có thể cảm nhận được trong nỗi lòng sâu thẳm của ông Nê-hê-mi rằng nỗi đau của dân tộc cũng là chính nỗi đau của riêng ông.
Ngày nay, chúng ta đang sống giữa một thế giới đầy phức tạp và lắm nan đề, vì thế, mỗi Hội Thánh, mỗi ban ngành, hay mỗi đất nước, ít nhiều đều có những thực trạng trăn trở riêng. Trải nghiệm của ông Nê-hê-mi dạy chúng ta rằng, thay vì phàn nàn, chán chường, chúng ta hãy mở rộng lòng mình hơn để ôm lấy những thực trạng trăn trở ấy vào lòng. Hãy xem những nỗi đau chung cũng chính là nỗi đau của riêng mình. Thay vì ngồi ca cẩm hay rên xiết, hãy làm những điều thiết thực mang tính tích cực hơn. Hãy kiêng ăn và chạy đến với Chúa, trình dâng những nan đề ấy lên cho Ngài, đồng thời xin Chúa dùng mình để góp phần làm cho tình trạng tốt hơn.
Bạn đang có thái độ và hành động thế nào trước những thực trạng Hội Thánh, ban ngành, hay đất nước mà bạn đang đối diện?
Lạy Chúa, xin cho con biết quan tâm và thể hiện tình yêu đúng cách trước những thực trạng mà Hội Thánh và đất nước con đang đối diện.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.