top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

Sự thương xót Ngài còn đến đời đời


 



Câu gốc: “Lạy Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi hết lòng ngợi khen Chúa, tôn vinh Danh Chúa đến mãi mãi. Vì sự nhân từ Chúa đối cùng tôi rất lớn” (Thi-thiên 86:12-13a).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong chương 16, có mấy nơi để dân chúng thờ phượng Chúa? Sự thờ phượng mỗi nơi phải thực hiện ra sao? Vua Đa-vít phân công phụ trách việc thờ phượng như thế nào? Có điều gì đang cản trở bạn thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật và tại nhà riêng mỗi ngày?

Sau khi đem Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem, Vua Đa-vít phân công người phụ trách việc thờ phượng Đức Chúa Trời, và chăm sóc, bảo vệ Hòm. Ông muốn sự thờ phượng Chúa phải được thực hiện thật chu đáo tại Giê-ru-sa-lem và tại đền tạm ở Ga-ba-ôn, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 10 dặm về phía tây bắc. Tại Giê-ru-sa-lem, là nơi có Hòm của Chúa, ông phân công ông A-sáp cùng những người Lê-vi khác lo việc cầu nguyện, ca ngợi, cảm tạ trước Hòm của Chúa (câu 4), nhưng tại đây họ không dâng tế lễ, vì việc này đã được phân công cho Thầy Tế lễ cả Xa-đốc cùng những thầy tế lễ khác đảm trách tại đền tạm Ga-ba-ôn (câu 39-40).

Dù là thờ phượng Chúa trước Hòm Giao Ước ở Giê-ru-sa-lem hay ở đền tạm Ga-ba-ôn, thì mọi sự cũng phải được thực hiện chu đáo và thường xuyên. Thờ phượng trước Hòm Giao Ước ở Giê-ru-sa-lem phải được thực hiện “mỗi ngày phục sự luôn luôn” (câu 37b), còn thờ phượng tại đền tạm ở Ga-ba-ôn thì phải “hằng dâng” tức là thường xuyên dâng những của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời mỗi ngày hai lần “sớm mai và chiều” “theo các điều chép trong luật pháp của Đức Giê-hô-va, mà Ngài đã truyền dạy” (câu 40). Tại sao họ phải thờ phượng Chúa mỗi ngày, luôn luôn, thường xuyên, cả sớm mai và ban chiều… như vậy? Câu 41 cho biết họ phải chúc tụng, cảm tạ Đức Giê-hô-va luôn luôn vì “sự thương xót Ngài còn đến đời đời.”

Tình yêu thương, sự chăm sóc của Chúa dành cho chúng ta không hề ngừng nghỉ một phút giây nào trong cuộc đời này, không hề chấm dứt nhưng kéo dài mãi đến đời đời. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được ngày càng nhiều hơn về “sự thương xót” của Chúa khi cẩn thận làm “theo các điều chép trong luật pháp của Đức Giê-hô-va, mà Ngài đã truyền dạy.” Vì sự thương xót của Chúa dành cho chúng ta không hề dứt và kéo dài mãi mãi nên đời sống thờ phượng Chúa của chúng ta cũng phải là đời sống thể hiện sự biết ơn, cảm tạ, và ca ngợi Ngài luôn như Vua Đa-vít và dân Chúa ngày xưa đã làm. Khi yêu mến và biết ơn Chúa như Vua Đa-vít, chúng ta sẽ không bao giờ muốn bỏ lỡ một buổi thờ phượng nào tại đền thờ của Chúa. Chúng ta cũng sẽ “hằng” đến với Ngài để dâng lên những lời khẩn nguyện, ca ngợi, và cảm tạ không thôi, ít nhất là mỗi buổi sớm mai và chiều tối tại nơi riêng tư của mình.

Có Chúa Nhật nào bạn tìm lý do thoái thác không đi thờ phượng Chúa không? Có ngày nào trong cuộc đời này bạn “tạm ngưng” không cầu nguyện, cảm tạ, ca ngợi Chúa không?

Lạy Chúa, con nguyện trung tín trong sự thờ phượng Chúa tại đền thờ của Ngài cũng như mỗi ngày tại nơi riêng tư, vì “sự thương xót Ngài còn đến đời đời” đối với con.

(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

35 views

Recent Posts

See All

VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page