top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

Cơn Giận Của Đức Chúa Trời


“Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Sứ đồ Phao-lô nói về “cơn giận của Đức Chúa Trời” khi mở đầu sứ điệp của ông? “Cơn giận” của Đức Chúa Trời cho bạn bài học gì? Từ đây, bạn nhận ra động cơ nào cần phải có khi chia sẻ Tin Mừng cho người khác?

Đối với nhiều người, khái niệm về một Đức Chúa Trời “giận” hoàn toàn xa lạ với một Đức Chúa Trời yêu thương, và thật khó chấp nhận để dùng khái niệm này mở đầu cho sứ điệp Phúc Âm. Ít nhất có hai lý do để Sứ đồ Phao-lô đề cập đến cơn giận của Chúa: Thứ nhất, do bản tính thánh khiết của Đức Chúa Trời; và thứ hai, sự cần yếu của Phúc Âm.

Phúc Âm không nhằm cho con người thêm lựa chọn để giúp họ có cuộc sống tốt hơn, đạo đức hơn, ý nghĩa hơn. Nhưng Phúc Âm nhằm cho con người một giải pháp duy nhất để cứu họ khỏi sự hủy diệt. Sự hủy diệt đó chính là cơn giận của Đức Chúa Trời. Con người cần Phúc Âm vì họ đang đối diện với cơn giận của Đức Chúa Trời, với sự đoán xét, với sự chết, và chỉ có Phúc Âm mới đem họ ra khỏi cơn giận đó. Khi chúng ta tránh né nói về “cơn giận của Đức Chúa Trời,” người nghe sẽ không nhận ra sự cấp thiết của Phúc Âm và sự nguy hiểm tột cùng nếu từ chối Phúc Âm.

“Cơn giận” ở đây chỉ về sự phẫn nộ một cách kiên quyết, chín chắn, điềm tĩnh, không thay đổi của Đức Chúa Trời. Không phải là cơn giận bộc phát do cảm tính và không kiểm soát của con người.

Cơn giận của Chúa đã được “tỏ ra,” nghĩa là “liên tục được tỏ ra.” Cơn giận của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua việc đuổi ông bà A-đam, Ê-va ra khỏi vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký 3), tiêu diệt dòng dõi gian ác của loài người qua Cơn Lụt (Sáng Thế Ký 6), qua hệ thống tế lễ trong Cựu Ước, và qua việc ban Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá.

Cơn giận của Đức Chúa Trời tỏ ra trên “mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình,” chứ không phải trên tội nhân. Nói cách khác, Đức Chúa Trời ghét tội lỗi và yêu tội nhân. “Không tin kính” đề cập đến sự thiếu tôn kính, tận hiến, và thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật, một sự thất bại tất yếu dẫn đến những dạng thờ phượng sai lầm. “Không công bình” bao hàm ý nghĩa của sự không tin kính nhưng tập trung vào hậu quả của nó, chủ yếu nói đến cách con người sống với nhau. Sự không tin kính tất yếu sẽ dẫn đến sự không công bình.

Cơn giận của Chúa tỏ ra trên “mọi” điều không tin kính và không công bình, nghĩa là vấn đề không phải là không tin kính hoặc không công bình nhiều hay ít, mà là chỉ cần một điều không tin kính hoặc không công bình là sẽ phải nhận cơn giận của Đức Chúa Trời. “Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn, vì Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian, bởi Người Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên hạ” (Công-vụ Các Sứ Đồ 17:30-31).

Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết tội lỗi của mình, ăn năn quay lại với Ngài để được tha thứ và tránh được cơn giận của Ngài.

(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

227 views

Recent Posts

See All

VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page