top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

Động Cơ Rao Truyền Tin Lành


 



Câu gốc: “Thật có một đôi người vì lòng ganh tị và cãi lẫy mà rao truyền Đấng Christ, nhưng cũng có kẻ lấy ý tốt mà rao truyền” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đang phải đối diện với sự khó khăn đến từ những người nào? Những người này phục vụ Chúa với động cơ nào? Sứ đồ Phao-lô có thái độ nào khi đối diện với khó khăn này? Bạn tìm ra giải pháp nào để duy trì niềm vui trong sự phục vụ Chúa qua bài học này?

Trong chức vụ phục vụ Chúa của Sứ đồ Phao-lô, không ít lần ông phải đối diện với những khó khăn đến từ chính anh chị em cùng đức tin (II Cô-rinh-tô 11:26). Tại La Mã cũng không là ngoại lệ, Sứ đồ Phao-lô đang đối diện với những người rao truyền Phúc Âm với một động cơ hoàn toàn sai trật. Chúng ta không biết vì sao họ ganh ghét Sứ đồ Phao-lô, và chính ông cũng không muốn nêu tên họ ra. Nhưng có lẽ những người này đang “ganh tị” với Sứ đồ Phao-lô về những gì Chúa ban cho ông và tình yêu mà Hội Thánh khắp nơi dành cho ông. Lòng ganh tị đã khiến họ phục vụ Chúa trong tinh thần ghen ghét với Sứ đồ Phao-lô, thể hiện qua sự “cãi lẫy.” Họ còn rao giảng Phúc Âm “cách không ngay thật” (câu 17). Cụm từ này đề cập đến một kim loại quý bị pha trộn với tạp chất. Những người này đã pha trộn sự tinh ròng của Phúc Âm với những tạp chất của lòng đố kỵ.

Tại đây, chúng ta nhận ra một số bài học. Thứ nhất, một người phục vụ Chúa không những cần có một giáo lý đúng nhưng cũng cần phải có một động cơ đúng. Có nhiều người đang phục vụ Chúa cách nhiệt thành, luôn luôn đúng về giáo lý, nhưng ẩn đằng sau là muốn chứng tỏ mình trổi hơn người khác. Thứ hai, chúng ta không được lợi dụng công việc Chúa, đặc biệt là sự truyền bá Phúc Âm, cho mục đích cá nhân. Thứ ba, Đức Chúa Trời có quyền sử dụng mọi người theo ý muốn Ngài, ngay cả những người phục vụ Ngài với một động cơ sai trật. Sứ đồ Phao-lô không loại trừ những người này, vì ông tin Chúa sẽ có giải pháp của Ngài. Đối với ông, điều quan trọng hơn hết là “Đấng Christ cũng được rao truyền” (câu 18). Thứ tư, phục vụ Chúa phải xuất phát từ lòng yêu thương. “Những người này làm bởi lòng yêu mến, biết rằng tôi được lập lên để bênh vực đạo Tin Lành” (câu 16).

Hãy cẩn thận về sự phục vụ Chúa của chúng ta vì Chúa là Đấng Toàn Tri. Vấn đề quan trọng đối với Đức Chúa Trời không phải là chúng ta làm được bao nhiêu việc cho Ngài, nhưng là chúng ta làm những việc đó với động cơ nào. Hãy trở nên những người cộng tác với anh chị em mình cách chân thật trong việc rao truyền Phúc Âm. Hãy phục vụ Chúa bằng tình yêu thương, vì vinh quang của Đức Chúa Trời để có thể đem lại sự an ủi, nâng đỡ, vui mừng cho anh chị em đồng công với chúng ta.

Bạn đang phục vụ Chúa và rao truyền Phúc Âm với động cơ nào?

Lạy Chúa, xin Ngài dò xem và tra xét lòng con. Xin cho con một tấm lòng ngay thẳng và một động cơ đúng đắn trong sự phục vụ Chúa và trong công tác rao truyền Phúc Âm.

(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

37 views

Recent Posts

See All

VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page