top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

Mùa Tựu Trường

Updated: Jan 28, 2021


Mùa tựu trường năm nay bắt đầu bằng một cuộc chiến. Không phải là cuộc chiến giữa hai ý tưởng trường học có nên mở cửa hay không, mà là cuộc chiến đối diện với sự sợ hãi. Sợ bị nhiễm Coronavirus. Bước vào tháng Tám, phụ huynh, học đường, và cả chính quyền trung ương lẫn địa phương, đang trăn trở trong ý tưởng trường học có nên mở cửa đón học sinh vào mùa tựu trường năm nay chăng? Số phận của các em học sinh nằm trong tay người lớn.


Những người ủng hộ ý kiến không mở cửa trường, để học sinh tiếp tục học ở nhà cho đến khi dịch bệnh thuyên giảm nhiều, hoặc ngành y tế phần nào khống chế được dịch bệnh, đã nêu một số lý do chúng tôi tóm lược như sau:


1. Trường học mở cửa, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Từ học sinh đến thầy cô, mọi nhân viên nhà trường có liên quan, sẽ bị lây bệnh, rồi họ sẽ đem về nhà, truyền bệnh cho người nhà và cả xã hội. Nhiều người sẽ bị nguy hiểm tính mạng và tử vong. Khi dịch bệnh lây lan nhiều, trường học sẽ phải đóng cửa trở lại, tạo thêm rắc rối về tâm lý và tổ chức cho cả học sinh, phụ huynh, lẫn nhà trường.


2. Trường học không là môi trường vô khuẩn lý tưởng cho học sinh. Vệ sinh mặt bằng kỹ lưỡng vẫn chưa đủ, vì vi khuẩn tồn tại trong không khí, có thể lây nhiễm. Vả lại, suốt ngày, học sinh phải sống trong môi trường hít thở nhiều chất hóa học từ chất lau chùi gây ra, cộng với nước rửa tay cũng là hóa chất, không tốt cho sức khỏe của các em.


3. Trường học không thể ra qui luật bắt buộc các em mang khẩu trang, mà chỉ yêu cầu trên tinh thần tự nguyện, như thế sẽ ảnh hưởng đến người khác. Trường cũng không có ngân sách để cung cấp khẩu trang và các thiết bị phòng hộ cho các em, vậy, không lẽ trường buộc phụ huynh phải tự cung cấp cho con em? Hơn nữa, không phải em nào cũng có thể mang khẩu trang suốt ngày, vì thế sẽ có em mang, có em không mang, có lúc mang, có lúc không mang. Cho dù các em mang suốt ngày, nhưng đến giờ ăn, cũng phải mở khẩu trang, tạo nên cơ hội lây nhiễm.


4. Trường học là nơi khó thực hiện giãn cách xã hội. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên sẽ không đủ để tổ chức một lớp ít học sinh để các em có thể ngồi cách nhau hai mét. Đặc biệt với các em nhỏ, việc các em đến gần để chơi và nói chuyện với nhau là điều tự nhiên, thầy cô không thể giám sát luôn được.


5. Một số giáo viên, nhất là người lớn tuổi, rất lo sợ cho việc bị buộc phải trở lại trường học vào lúc này. Mùa Thu cũng là mùa cúm. Bệnh cúm kết hợp với Coronavirus có thể tạo nên nan đề về sức khỏe cho một số người. Vì nỗi lo sợ này, một số giáo viên sẽ xin nghỉ, tạo nên sự thiếu hụt giáo viên trầm trọng trong tình trạng đang khan hiếm giáo viên.


Bên cạnh những lý luận trên, những người ủng hộ việc mở cửa lại trường học để học sinh đến lớp như trước đã đưa ra những lý do sau:


1. Trẻ em cần phải đến trường và học tốt nhất trong môi trường học đường, đặc biệt là các em nhỏ mẫu giáo và cấp tiểu học. Trong những tháng vừa qua, trong tình hình các em phải học ở nhà, học đường và thầy cô không kiểm soát các em được đầy đủ, trình độ học tập của các em bị sút giảm rất nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài, các em sẽ bị mất căn bản, khó hồi phục lại. Dạy và học trực tuyến khiến cả giáo viên và học sinh đều mệt mỏi, kém hiệu quả.


2. Nhiều bằng chứng về khoa học lẫn y tế cho thấy trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Coronavirus. Theo cơ quan Phòng Ngừa Dịch Bệnh tại Hoa Kỳ, trong đợt dịch vừa qua, trong số hơn 170,000 tử vong vì dịch bệnh, chỉ có 30 em dưới 15 tuổi bị thiệt mạng vì Coronavirus. Trong khi đó, bình thường mỗi năm có 190 em chết vì bệnh cúm, 436 chết vì tự tử, 625 em bị giết và 4,114 chết vì nguyên do không chủ ý khác, như chết chìm chẳng hạn. Tại Chicago, trong hai tuần qua, đã có bảy em bị bắn chết, trong khi chỉ có hai em dưới 18 tuổi chết vì Coronavirus trong mấy tháng qua.


3. Các nước tiên tiến khác như Đức, Singapore, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, đã mở cửa trường học mà không gặp sự cố nào. Tại Do Thái, trường học mở cửa tháng vừa qua với số học sinh rất đông, khiến dịch bệnh có bùng phát, nhưng cả giáo viên lẫn học sinh đều chỉ bị bệnh nhẹ. Các giáo viên lớn tuổi cần lưu ý cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, nếu các giáo viên lớn tuổi có thể đi chợ và các nơi công cộng khác, thì không lý do gì họ không thể đến trường.


4. Chính quyền liên bang đã chi viện những số tiền lớn cho tiểu bang để đối phó dịch bệnh. Tiểu bang nên dùng một phần tiền này để hỗ trợ trường học trong việc phòng chống và bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên và học sinh.


5. Kéo dài việc học tại nhà là bất lợi lớn cho các em nhỏ, đặc biệt trong các gia đình lao động nghèo không đủ phương tiện giúp các em học tại nhà. Ngoài ra, cha mẹ bận đi làm và không biết tiếng Anh hay công nghệ vi tính, nói gì đến kiến thức để giúp con học hành, cũng là trở ngại lớn. Nhất là các em trong trường hợp cần chăm sóc đặc biệt, khi thiếu giáo viên chuyên môn để hướng dẫn, các em không thể học được.


6. Vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của các em cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các em không được đến trường. Ở trường, các em được hỗ trợ những bữa ăn miễn phí, hoặc giảm giá, với đầy đủ dinh dưỡng. Đây là sự giúp đỡ lớn đối với gia đình. Ngoài ra, về tinh thần, các em được sinh hoạt, vui chơi với bạn bè trong sự thoải mái. Nhiều phụ huynh cảm thấy khó khăn khi con em ở nhà ba tháng Hè. Nếu chúng ta kéo dài tình trạng cho trẻ em ở nhà, sẽ tạo sự căng thẳng về nhiều mặt cho cả phụ huynh lẫn học sinh.


7. Học sinh không đến trường cũng có nghĩa là phụ huynh không đi làm được, vì họ phải ở nhà trông con và giúp con học. Không phải gia đình nào cũng có ông bà, hay người thân để giúp trong vấn đề này, và những người này chưa chắc đủ khả năng để trông coi và giúp đỡ con cháu trong việc học. Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến tài chánh gia đình và cả nền kinh tế quốc gia.


Cuộc sống đầy những may rủi. Mỗi ngày chúng ta đều đối diện với những điều nan giải mình phải quyết định. Khi cha mẹ quyết định sinh ra một đứa con, họ đã phải chấp nhận nhiều may rủi. Khi chúng ta lái xe ngoài đường, chúng ta phải chấp nhận nhiều may rủi. Coronavirus không phải là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử loài người. Nhân loại đã trải qua nhiều dịch bệnh, thu thập nhiều kinh nghiệm và ngày càng ứng phó tốt hơn. Dịch bệnh hiện nay đã giảm dần. Thuốc chủng ngừa đang được thử nghiệm. Sự lo lắng có thể thuyên giảm. Tuy nhiên, có lẽ hình ảnh ghê rợn của những ngày đầu phát dịch tại Vũ Hán, Trung Quốc, vẫn khiến người ta rùng mình sợ hãi. Từ khi phát dịch từ đầu năm đến giờ, cảm giác sợ hãi đó vẫn còn làm chủ trên tâm trí nhiều người. Sự tiêu cực này có thể trở nên ngục tù giam hãm chúng ta khỏi những hoạt động tự do trong cuộc sống, và hơn nữa, làm chúng ta mất đi ý chí, sự bình an và niềm vui trong các sinh hoạt hằng ngày.


Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đối diện với hai lựa chọn. Một, là can đảm đối diện nan đề, hết sức mình thực hiện điều tốt nhất để cuộc sống trở nên bình thường càng sớm càng tốt. Hai, là cứ né tránh trốn chạy nan đề, mong ước nó tự biến đi mà mình không cần phải đối phó với nó. Quan tâm, lo lắng cho con em là điều phải, nhưng chúng ta nên cân nhắc biện pháp đúng, để không gây thiệt hại thêm cho con em trong hoàn cảnh các em đã bị thiệt hại nhiều trong thời gian qua.


Sức mạnh của một người sẽ biểu hiện, không phải trong lúc an nhàn, mà là trong lúc khó khăn. Cả thế giới đang chiến đấu với dịch bệnh. Mỗi chúng ta là một phần tử trong trận chiến này, trong đó, sự sợ hãi là kẻ thù chúng ta phải khuất phục. Chúng ta sẽ chọn thái độ nào? Hoặc thu mình lại, trốn trong nhà, chờ “con sư tử” sẽ đi qua; hoặc sẽ cùng nhau vùng lên, tiến đánh một cách thông minh để làm chủ cuộc sống của mình. Có lẽ lựa chọn thứ nhì là lựa chọn tốt nhất, vì trên đường đời trắc trở, chúng ta không biết điều gì đang chờ đón trước mắt. Nếu Coronavirus còn kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm nữa, hoặc sẽ có những vi khuẩn khác, dịch bệnh khác nổi lên tấn công nhân loại, thì chúng ta sẽ làm sao? Không lẽ chúng ta cứ mãi cố thủ trong nhà ngày này qua tháng nọ? Ý chí của chúng ta có mạnh mẽ chiến thắng hay không, là ở thời điểm này đây.


Trong cuộc chiến, người thắng trận là người làm chủ tình hình. Người thua trận là người bị động, mất phương hướng, loay hoay không biết phải hành động như thế nào. Chúng ta đừng quên bàn tay Thiên Chúa luôn tể trị trên trần gian. Không có điều gì xảy ra vượt ngoài quyền kiểm soát của Ngài. Đúng ra, thay vì sợ bị lây nhiễm Coronavirus, chúng ta nên sợ ngày chúng ta qua đời và phải đối diện Chúa là Quan Án xét xử mọi hành vi lời nói của mình. Chúng ta có thể bị nhiễm Coronavirus, có thể không; có thể bị nặng, có thể bị nhẹ. Bị nhiễm bệnh là vấn đề may rủi. Còn việc chúng ta sẽ qua đời và đối diện sự phán xét của Chúa là điều chắc chắn, không ai tránh khỏi, và sẽ bị xử phạt thế nào, là do quyết định của chúng ta hôm nay.


Hãy tin cậy Chúa để trở nên người chiến thắng sự sợ hãi và được an toàn trước ngôi phán xét của Đấng Chí Cao.


Ái Nhân

86 views

Recent Posts

See All

VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page